Đặng Vũ Duy Hưng, 23 tuổi, sống và làm việc tại Hà Nội, có nhiều ấn tượng về miền Tây sau hai lần đến thăm nơi này.
"Khác với khám phá vùng núi Tây Bắc hay Tây Nguyên hùng vĩ, miền Tây sông nước đem lại cho mình cảm giác yên bình, thư thái, ít căng thẳng hơn khi di chuyển và đặc biệt cũng mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và con người", Hưng nói.
Trước dịch, vào năm 2020, Hưng đã có cơ hội đi 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Lần này, anh tiếp tục đến Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang. Hạ cánh ở Cần Thơ, Hưng thuê ôtô tới các nẻo đường vùng sông nước. Chuyến đi diễn ra 5 ngày, từ 22 đến 27/6.
Duy Hưng choáng ngợp trước sự bao la của những cánh đồng lúa miền Tây. Miền Tây đang vào mùa mưa, du khách cần cẩn thận với những cơn mưa giông bất chợt, mưa to đến mức khó nhìn thấy đường để di chuyển.
Trước khi tới miền Tây, anh luôn hình dung đây là vựa lúa lớn nhất cả nước, những cánh đồng trải dài bát ngát trong câu ca dao "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh". Khi đến nơi, Hưng càng choáng ngợp hơn trước sự mênh mông của những cánh đồng xanh ngắt.
Mỗi địa điểm Hưng tới đều mang những giá trị khác nhau cho bản thân nên anh không thể chọn ra địa điểm mình thích nhất một cách tổng quan. Tuy nhiên, nếu chia địa điểm mang nhiều giá trị về thiên nhiên nhất sẽ là vườn quốc gia Tràm Chim, giá trị về văn hóa là nhà cổ ông Xoát tại Tiền Giang.
Vườn quốc gia Tràm Chim cho anh cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc trưng của vùng Đồng Tháp, vừa là vựa lúa, vừa có đầm sen, vừa có sông nước, biến nơi đây trở thành chỗ ở lý tưởng của các loài động vật. "Trước khi đến với Tràm Chim, mình có nghe các phóng sự về việc xâm phạm vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia gây nên sự suy giảm về số lượng loài và cá thể khiến mình lo lắng khó nhìn thấy chúng". Tuy nhiên, trong quá trình đi thuyền máy, anh được tận mắt thấy một vài loài chim sinh sống và kiếm ăn.
Hưng đi thuyền máy khám phá vườn quốc gia Tràm Chim.
Khi tới thị trấn Cái Bè, Tiền Giang, Hưng khám phá một loạt các nhà cổ được xây dựng từ 80 đến 200 năm trước: nhà cổ ông Xoát, Ba Đức, ông Kiệt. Anh thích nhất nhà cổ ông Xoát vì lối kiến trúc kết hợp tinh tế giữa chất liệu của Pháp và văn hóa Việt Nam. Tới đây, nghe bà cụ đang sống là cháu đời thứ 5 kể lại thì chủ nhà là một quan triều Nguyễn, gốc Huế, vào Tiền Giang thấy nơi đây địa hình thuận lợi, gần sông nên xây căn nhà này, đến giờ cũng đã hơn 200 năm. Về kiến trúc, những ngôi nhà cổ ở miền Tây pha lẫn tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây phương, những nét kiến trúc khó có thể thấy ở nơi khác đem lại cảm giác vừa cổ kính vừa mới lạ.
Điều thú vị trong hành trình với tư cách một người Hà Nội là Hưng có cơ hội tới thăm Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long. "Mình được chiêm ngưỡng Văn Miếu của miền Tây để có sự so sánh với Văn Miếu của Hà Nội", Hưng nói. Về kích thước, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có diện tích nhỏ hơn, nhưng về giá trị lịch sử thì cũng không hề thua kém khi là nơi để các sĩ phu, tao nhân tụ họp đàm đạo, luận bàn việc thế sự, đồng thời đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục hậu thế về lòng yêu nước.
Một địa điểm khác mà Hưng ấn tượng là làng gốm cổ Mang Thít. Trải dài dọc hai bên bờ rạch Cai Thầy và sông Cổ Chiên, những lò gốm lâu đời này sát nhau như những cây nấm lớn, rực lên màu đỏ nung dưới ánh mặt trời.
Làng gốm cổ Mang Thít, Vĩnh Long có vẻ đẹp trầm mặc.
Điều tiếc nuối trong hành trình khám phá miền Tây của Hưng là trải nghiệm đi chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ - một trong những hoạt động du lịch ở miền Tây được nhiều người biết tới nhất. "Trong đầu mình tưởng tượng là một phiên chợ tấp nập với vô vàn ghe thuyền nối đuôi nhau cùng đa dạng mặt hàng. Nhưng lúc mình tới thì thuyền bè thưa thớt, các loại hàng hóa cũng hạn chế. Có lẽ vì lý do thương mại hóa mà tính truyền thống đã dần mất đi", Hưng nói. Anh cũng đưa ra giả thuyết mình đến muộn, song khẳng định thời gian mình đến là hợp lý, vẫn chụp được bình minh.
"Tất cả chỉ là phỏng đoán, lần sau mình sẽ quay lại vào thời điểm sớm hơn nữa, đồng thời trải nghiệm thêm các phiên chợ nổi ở tỉnh khác để có thêm góc nhìn so sánh", Hưng tiếc nuối.
Một số ấn tượng khác trong hành trình là Hưng thấy con người miền Tây vô cùng đáng yêu. Sự đáng yêu đó thể hiện qua chất giọng vốn đã nhẹ nhàng như tiếng hát trong khúc đờn ca tài tử. Sự đáng yêu cũng thể hiện qua sự thân thiện, mến khách. Hưng gợi ý du khách nên ghé thăm pub ở Cần Thơ và Vĩnh Long, cảm nhận được rõ hơn cuộc sống của người dân địa phương qua ly rượu và những cuộc trò chuyện. Ngoài ra, cocktail cũng được pha chế ngon và giá cả hợp lý hơn ở các thành phố lớn.
Về ẩm thực, đồ ăn ngọt hơn miền Bắc. Các món ăn tươi và đậm đà. Hưng thích nhất ốc mít nướng tiêu xanh tại Cần Thơ. "Ở Hà Nội, ốc thường hấp sả ớt hoặc xào chứ mình chưa từng được ăn ốc mít nướng. Vị ngọt của ốc được điềm thêm vị cay nồng từ hạt tiêu tạo ra mùi vị đặc trưng hiếm có", Hưng mô tả. Món bánh xèo miền Tây cũng khác so với Đà Nẵng và Hà Nội. Miếng bánh to, đượm tôm thịt, giá và rau sống. Khi ăn cắt nhỏ ra cuốn chung với bánh đa nem.
Hưng đánh giá miền Tây dễ đi tự túc. Bạn cần chú ý khi lái xe ôtô dọc các cung đường, vững tay lái nếu đi xe máy vì miền Tây nhiều sông ngòi, kênh rạch nên nhiều cầu cống. Khi di chuyển qua các mố cầu cần giảm tốc độ để không bị bất ngờ khi bạn có thể bị hất lên cao một chút và tiếp đất hẫng nếu bạn đi tốc độ cao. Ngoài ra, do đặc thù ngập nước nên đường sá một vài nơi khá xấu, cần chú ý tốc độ phù hợp khi di chuyển.
Trung Nghĩa
Nguồn vnexpress.net