Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tham gia trả lời câu hỏi trong nội dung chất vấn. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời về 3 nhóm vấn đề: việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân; giải pháp ứng phó tác động của đại dịch đến lao động, việc làm; việc thực hiện hoạt động cứu trợ, thiện nguyện.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn Thái Bình: "Một bộ phận cử tri rất băn khoăn về việc hỗ trợ đối với nghệ sĩ vì dư luận cũng không đồng tình khi nhiều người trong số họ có thu nhập rất cao mà vẫn được hỗ trợ khó khăn. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về việc này và đã được khắc phục chưa?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói:
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội.
"Trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết 68, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị với chúng tôi 2 đối tượng, đối tượng thứ nhất là hướng dẫn viên du lịch. Đối tượng thứ hai là văn nghệ sĩ hạng 4, tức là những người có mức lương từ 1,86, đa số số này còn trẻ, mới vào nghề.
Qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì số này có khoảng 2.000 người, nhìn chung là đời sống khó khăn. Số này đưa ra Chính phủ cũng có thảo luận và đồng ý về chính sách vì thấy phù hợp, bởi 3 lẽ:
Thứ nhất, đời sống rất khó khăn, mức lương rất thấp. Thứ hai, có thời gian phải giãn cách hoặc dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong suốt thời gian vừa qua. Thứ ba, gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng có một địa phương khi xét 33 trường hợp thì có 3 trường hợp thuộc diện đúng đối tượng nhưng có cuộc sống khá giả bởi vì thực sự các em cũng có tài năng và cũng đang là những người được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, trong quá trình rà soát thì bỏ rơi yếu tố là có hoàn cảnh khó khăn và vì vậy dư luận không đồng tình.
Cho đến nay, 2.000 trường hợp này chúng ta đã hỗ trợ là 1.590 trường hợp và rất nhiều trường hợp chúng tôi cũng đã đi kiểm tra thì thấy rằng rất khó khăn. Đến giờ này chúng tôi khẳng định một lần nữa chính sách là đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện có thể còn điều này, điều kia, các cơ sở cũng như chúng tôi cần phải chú ý rút kinh nghiệm hơn trong quá trình tổ chức thực hiện".
Trước đó, nhiều nghệ sĩ, diễn viên quen mặt khán giả truyền hình đã nhận được hỗ trợ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự hỗ trợ kịp thời từ UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao là nguồn động lực giúp cuộc sống của những người nghệ sĩ phần nào bớt khó khăn cũng như khích lệ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần để người nghệ sĩ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật Thủ đô.
Các nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP (Ảnh: Đặng Dương)
Chia sẻ với phóng viên Dân trí , NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ các nghệ sĩ có đời sống khó khăn là hành động thiết thực, chủ trương rất đúng vì qua một thời gian dài các hoạt động biểu diễn "đóng băng" vì dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhất là các nghệ sĩ thuộc bộ môn sân khấu truyền thống và dân gian.
"Bộ có hỗ trợ cho các nghệ sĩ rất chính xác, thiết thực, tạo động lực cho nghệ sĩ vượt qua giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Những diễn viên hạng 4 có mức lương rất thấp, đa số là những bạn mới vào nghề. Đối tượng đấy đáng được quan tâm, động viên. Phần lớn các nghệ sĩ xuất thân từ tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp, mức lương như thế còn chưa đủ tiền thuê nhà. Nếu không biểu diễn, luyện tập thì họ lấy gì mà sống?
Việc nhận được hỗ trợ kịp thời từ Nghị quyết 68 là nguồn động viên để các nghệ sĩ nỗ lực hơn, nhận được sự quan tâm của Nhà nước thời điểm khó khăn nhất.
Trong hàng ngàn trường hợp thì có vài trường hợp chưa chính xác, tỉ lệ ấy rất ít rơi vào một số nghệ sĩ ngôi sao. Suy cho cùng bảng lương trong nhà hát của các nghệ sĩ ngôi sao ấy cũng rất thấp…", NSND Thúy Mùi chia sẻ.
dantri.com.vn