Tây Bắc những ngày cuối năm, trải khắp các sườn đồi lẫn hai bên đường đi là một màu hồng rực rỡ của hoa tớ dày.
Hoa Tớ dày thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Đây là loại hoa rừng thuộc họ hoa đào. Người Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “Pằng tớ dầy”, dịch theo nghĩa tiếng Việt là “hoa đào rừng”
Hoa thường nở từ khoảng cuối tháng 11, đầu tháng tháng 12, trước hoa đào khoảng một tháng. Là thứ "đặc sản" chỉ riêng núi rừng Tây Bắc mới có.
Đầu mùa, hoa tớ dày không nở nhiều. Bắt đầu chỉ với từng đốm nhỏ trên ngọn cây. Thế nhưng chỉ độ hơn tuần, sau một đêm mà cả không gian bỗng được phủ trong sắc hồng rực rỡ khiến nhiều người choáng ngợp.
Với người Mông ở Mù Cang Chải, hoa Tớ dày gắn với mùa xuân nơi đây. Hoa nở vào đúng dịp tết của người Mông, nhuộm thắm cả sườn đồi, báo hiệu thời điểm đồng bào được mặc đồ mới, nam nữ cùng tập khèn, chơi Pao...chuẩn bị đón tết.
Không chỉ có những triền núi được thay áo mới, hầu hết những căn nhà của người dân bản đều có bóng đào rừng cổ thụ bung nở trên những nóc nhà.
Nhìn từ xa, những ngôi nhà trình tường như chìm trong làn sương hồng mờ ảo.
Để săn hoa Tớ dày, du khách có thể đi dọc theo Quốc lộ 32, từ Than Uyên xuôi về Nghĩa Lộ, tại đèo Khau Phạ hay trên lưng chừng núi, nơi định cư của bản làng người Mông.
Hoa thường mọc tự nhiên ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông hay Dế Xu Phình, nhiều nhất tại xã La Pán Tẩn. Hoặc mạn Y Tý, Lào Cai
Thời điểm đẹp nhất để chụp hoa Tớ dày là vào lúc bình minh và hoàng hôn, hoặc khi có nắng chiếu xuyên.
Tây Bắc mùa Tớ dày, khung cảnh khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng thấy thổn thức bởi vẻ đẹp của tự nhiên.
Ảnh: Phạm Hoàng Cương
Nguồn vietnamnet.vn