Nhắc đến bộ phim kinh điển Tây Du Ký, khán giả đa phần sẽ nhớ đến những cái tên như: Lục Tiểu Linh Đồng (Tôn Ngộ Không), Mã Đức Hoa (Trư Bát Giới), Diêm Hoài Lễ (Sa Tăng) hay Từ Thiếu Hoa, Trì Trọng Thụy, Uông Việt trong vai Đường Tăng.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng được xem là biểu tượng của nhân sinh, đại diện cho tinh thần tích cực, trong khi Tôn Ngộ Không đại diện cho sức mạnh và Sa Tăng biểu thị sự chân thành kiên nhẫn. Trái lại, Trư Bát Giới đại diện cho dục vọng và lòng tham của con người.
Tuy nhiên, để khắc họa rõ nét cũng như mang đến sự thành công của Tây Du Ký không thể không nhắc đến những nhân vật vào vai yêu quái độc ác, tinh ranh và đầy mưu mô.
Trong Tây Du Ký, hầu hết yêu quái đều được hóa thân từ động vật, chẳng hạn như quái vật hổ, quái vật voi, quái vật chim, quái vật bò, quái vật lợn...
Trong nguyên tác Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã xây dựng những yêu quái này có địa vị và thân phận khác nhau. Một số là thú cưỡi của thần tiên, một số trốn khỏi Thiên Đình để tác oai tác quái dưới hạ giới, cũng có một số là quái vật nhỏ bình thường.
Hầu hết yêu quái trong Tây Du Ký đều được lấy cảm hứng từ những loài động vật chúng ta nhìn thấy hàng ngày. Trong phiên bản điện ảnh và truyền hình, chúng ta có thể thấy nhiều loại quái vật khác nhau biến hình từ dạng người về dạng động vật. Có thể thấy, nhà văn đã dựa vào đặc điểm của các loài động vật để xây dựng nên ngoại hình cũng như tính cách của các yêu quái. Ví dụ, yêu quái do thỏ biến thành thì có ngoại hình đáng yêu, hồn nhiên, có khả năng hát hò nhảy nhót. Ngược lại, những yêu quái như gấu đen, sư tử... thường có vẻ ngoài to lớn, tính tình nóng nảy sau khi biến thành dạng người.
Rất nhiều con vật quen thuộc được Ngô Thừa Ân đưa vào Tây Du Ký, biến thành những yêu quái cản trở đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên chắc hẳn không ít khán giả tò mò vì sao không có một yêu quái mèo (yêu miêu) trong Tây Du Ký trong khi mèo vốn được mô tả là một loài động vật rất bí ẩn và tính cách của mèo rất phù hợp để dưa vào trong các tác phẩm có yếu tố ma quái, ly kỳ, hư ảo.
Thực tế tất cả điều này liên quan đến bối cảnh lịch sử thời đó.
Ngô Thừa Ân sống ở thời vua Gia Tĩnh, nhà Minh. Gia Tĩnh đế rất thích mèo, thậm chí còn thành lập một bộ phận riêng để nuôi mèo, gọi là "phòng mèo". Tại đó có những nhân viên đặc biệt chăm sóc mèo cho hoàng đế.
Thời đại có tác động lớn đến tính cách và tác phẩm của một người. Ngô Thừa Ân từ nhỏ đã rất hứng thú với những tác phẩm về yêu quái nhưng lại không gặp may mắn trong sự nghiệp. Khi Tây Du Ký được viết 10 chương đầu, Ngô Thừa Ân đã gần 50 tuổi. Tác phẩm chứa đựng phần lớn những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời của ông, chịu ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử. Nội dung tác phẩm cũng phải phù hợp với mục tiêu theo đuổi giá trị của triệu đại. Đây là lý do tại sao mèo không thể trở thành yêu quái trong Tây Du Ký.
Trong triều đại Minh, người có liên quan mật thiết nhất với mèo chính là Hoàng đế Gia Tĩnh. Trong thời gian cai trị, ông thường không thiết triều thường xuyên, nhưng vẫn có cách để quan lại trung thành tìm được chỗ đứng của mình. Điều này cho thấy năng lực tài tình của hoàng đế.
Ngoài ra, trong thời gian riêng tư, vua Gia Tĩnh rất thích nuôi mèo. Sau khi con mèo cưng qua đời, vua Gia Tĩnh còn yêu cầu chôn cất nó trong quan tài.
Vì vậy, thời bấy giờ, mèo được xem là linh vật của quốc gia, không thể bị biến thành yêu quái trong tiểu thuyết. Nếu trong một tiểu thuyết nào đó, mèo bị biến thành yêu quái thì nó sẽ bị cấm. Người dân thời đó cũng không muốn đọc những thứ giống như sách cấm.
Có thể nói rằng Ngô Thừa Ân đã hiểu rất thấu đáo vấn đề này. Không chỉ riêng ông mà nhiều tác giả cùng thời cũng hiểu tầm quan trọng của loài mèo lúc bấy giờ.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn www.nguoiduatin.vn