Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm.
Cụ thể, theo nghị định 100/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nghị định đã tăng mức phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.
- Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) 22 - 24 tháng.
Với người điều khiển phương tiện có nồng cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 ml/1 lít khí thở:
- Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
- Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400 - 600 nghìn đồng.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu và khi nào người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh minh họa)
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), không có con số chính xác tuyệt đối cho việc uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Quá trình đào thải nồng độ cồn phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (nồng độ cồn 5%), một ly rượu vang 100 ml (nồng độ cồn 13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (nồng độ cồn 40%).
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1 - 2 giờ nữa.
Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Với những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì cần thời gian lâu hơn để chuyển hoá hết cồn trong máu.
Tùy theo loại và lượng uống rượu bia mà thời gian cơ thể sẽ đào thải sẽ khác nhau (Ảnh minh họa)
Theo bà Trang, tốt nhất chúng ta không nên uống rượu bia. Nếu bắt buộc phải uống, nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.
Còn uống nhiều, uống cấp tập, thậm chí cả két bia, cả chai rượu thì không thể xác định được chính xác nồng độ cồn nếu không xét nghiệm máu. Khi đó lượng rượu bia gan không dung nạp và chuyển hoá được sẽ trở thành chất độc đi vào máu và cơ thể.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau.
Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Theo nghiên cứu công bố trong Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.
Cơ quan y tế của Anh khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong một tuần.
-->> Vì sao uống bia 0 độ vẫn bị phạt nồng độ cồn?Thúy Ngà
Nguồn giadinhonline.vn