Chăm sóc trẻ bệnh hen suyễn tại nhà

  • 25/12/2022 09:33:14

Gần Tết, thời tiết trở lạnh, những trẻ có tiền sử mắc hen phế quản (thường gọi là hen suyễn), thường gia tăng các triệu chứng khó chịu như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực,… Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, phụ huynh nên quan tâm chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách, để mau khỏi bệnh. Khi trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng, cần nhập viện sớm để theo dõi, xử trí kịp thời.

 

Chăm sóc trẻ bệnh hen suyễn tại nhà

Cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà và nhận biết dấu hiệu trẻ chuyển nặng cần nhập viện. Ảnh do BV cung cấp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bên cạnh cho trẻ mắc hen suyễn dùng thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý một số vấn đề để kiểm soát tốt bệnh của trẻ. Đó là cho trẻ uống nhiều nước/sữa; tránh để trẻ tiếp xúc với bụi bẩn, khói thuốc lá, bếp than, phấn hoa, lông chó, mèo,... Giữ vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ; thường xuyên thay/giặt giũ mền, ga, gối. Hạn chế sử dụng những loại xịt tạo mùi như xịt ruồi muỗi, nước hoa,… Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ, không chơi thú nhồi bông, không dùng áo lông vũ nếu trẻ có dị ứng lông vũ. Có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện hợp lý cho trẻ, tránh vận động gắng sức. Trẻ không cần ăn kiêng, tuy nhiên, nếu trẻ có dị ứng thức ăn thì phải kiêng loại thực phẩm gây dị ứng. Cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám định kỳ theo hướng dẫn.

Khi trẻ lên cơn hen cấp tại nhà, việc cần làm đầu tiên là tránh xa (nếu có thể được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện. Đó là những yếu tố gây nên tình trạng dị ứng, như phấn hoa, lông thú vật, mùi khói thuốc lá, bếp than, hóa chất… Tiếp theo là sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh đường hít (thường đã được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng khi điều trị tại nhà). Xịt họng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (như ventolin spray 100µg/nhát, dùng 2 nhát/lần). Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hoặc trẻ không thể xịt bình xịt đúng cách thì có thể xịt qua buồng đệm babyhaler, hoặc sử dụng máy phun khí dung (như salbutamol 2,5mg, liều 0,15mg/kg/lần). Theo dõi thêm 20 phút xem trẻ có dễ thở, giảm khò khè, bớt ho, nặng ngực hay không. Nếu tình trạng không cải thiện, lặp lại xịt họng lần thứ hai. Theo dõi tiếp, nếu sau 20 phút cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục lặp lại xịt họng lần 3 và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí tiếp. Nếu sau khi xịt họng trẻ đỡ khó thở thì gia đình nên đưa trẻ đến tuyến chuyên khoa khám để có phác đồ điều trị hợp lý cho mức độ bệnh lần này của trẻ.

Những dấu hiệu trẻ lên cơn suyễn cần nhập viện ngay gồm: tím tái, không nói được câu dài, phải ngồi dậy để thở, khó thở: thở nhanh, thở rút lỏm lồng ngực, phập phồng cánh mũi; bé ho, khò khè và kèm theo bệnh nền.

Nguồn baomoi.com

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Chăm sóc trẻ bệnh hen suyễn tại nhà - Sức Khỏe

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều